Thị trường trong nước: Mỏ vàng tiềm ẩn

Trong khi các doanh nghiệp và người nuôi hướng đến mục tiêu xuất khẩu các sản phẩm gia súc, gia cầm, thì ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp nước ngoài đang tìm mọi cách để tiến sâu vào thị trường nội địa của Việt Nam với đầu tư ngày càng sâu rộng.

Thị trường tỷ đô

Tập đoàn Nghiên cứu Thị trường Euromonitor thống kê năm 2016, thị trường tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm  tại Việt Nam đạt 3,1 triệu tấn, giá trị 18 tỷ USD, lớn thứ ba châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Đây là một trong những lý do mà hầu hết các ông lớn của ngành chăn nuôi thế giới từ chế biến thức ăn, giống, kháng sinh, chế biến và xuất khẩu đang tìm mọi cách tiếp cận thị trường Việt Nam.

 

Mặt hàng gia súc, gia cầm Việt Nam là một thị trường trẻ, nhiều tiềm năng vì mức tiêu thụ tại nội địa mặt hàng thịt heo bình quân 33,5 kg/người/năm nhưng đến năm 2020 dự kiến sẽ là 39 kg. Mặc dù ngành chăn nuôi Việt Nam đang trên đà phát triển nhưng vẫn còn bộc lộ nhiều điểm hạn chế. Chẳng hạn nguồn cung thịt bò trong nước chỉ đáp ứng được 20 - 30%, do đó phải thường xuyên nhập khẩu từ Australia, Campuchia, Thái Lan, Lào. Theo Tổng cục Hải quan, trong hai tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã nhập khẩu 1.349 tấn thịt bò từ Mỹ, trị giá 8,9 triệu USD; nhập khẩu từ Australia 948 tấn thịt bò, tương đương 6,6 triệu USD. Việt Nam cũng phải nhập khẩu thịt trâu, bò trên 15 triệu USD, tương đương khoảng hơn 300 tỷ đồng chỉ trong hai tháng đầu năm 2018. Ngoài ra, Việt Nam cũng nhập khẩu gia cầm. Theo Euromonitor, dự báo đến năm 2021, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ tăng bình quân 2,2%/năm về sản lượng và 1,9%/năm về doanh số.

Doanh nghiệp ngoại ăn nên làm ra

 Năm 2018, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) đặt kế hoạch doanh thu tăng 18% so với năm 2017 và đạt 4.600 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 179 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2017. Việt Nam là một trong những nước tiêu dùng thịt heo lớn nhất thế giới và đứng thứ hai châu Á sau Trung Quốc. Việc các công ty chế biến tiêu thụ thịt tại Việt Nam thu lợi nhuận lớn và liên tục mở rộng kinh doanh là điều khá phổ biến.

Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (gồm liên doanh và 100% vốn ngoại) với 59 nhà máy sản xuất TĂCN cung ứng hơn 60% tổng sản lượng TĂCN. Song, sản xuất TĂCN chỉ là bước đi đầu tiên của các doanh nghiệp ngoại tại Việt Nam, lộ trình của họ là sản xuất khép kín, từ con giống, chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ thịt ngay tại Việt Nam, theo cách thức thường gọi là “xuất khẩu tại chỗ”. Dùng con giống ngoại, thức ăn ngoại, quy trình chăn nuôi ngoại, sản xuất cung cấp cho thị trường nước sở tại. Có thông tin cho rằng, mỗi ngày bình quân công ty đa ngành nghề C.P. Việt Nam bán ra 150.000 con heo tại Việt Nam. Con số kinh doanh có thể là một bí mật của doanh nghiệp, song doanh nghiệp cho biết mục tiêu của mình là sản xuất thực phẩm ngay tại Việt Nam, không chỉ có sản phẩm tươi sống mà cả thức ăn nấu chín.

C.P đưa ra tầm nhìn trở thành “Nhà bếp của thế giới”, do đó, việc sản xuất thức ăn hay là con giống của Công ty này thực chất chỉ là bước đầu, nhằm xây dựng chuỗi kinh doanh khép kín, bao gồm các sản phẩm tươi như thịt gà, thịt vịt, trứng gà, thịt heo; và các sản phẩm chín chế biến như xúc xích, lạp xưởng, gà năm sao.

Rất nhiều trang trại, hội chăn nuôi cho rằng trong khi ngành chăn nuôi trong nước điêu đứng, bỏ chuồng trại, thua lỗ… thì các doanh nghiệp nước ngoài và liên doanh lại mở rộng không ngừng quy mô sản xuất tiêu thụ sản phẩm thịt tại Việt Nam. Trong ngành gà, Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam đang đầu tư dự án chăn nuôi và chế biến gà xuất khẩu hiện đại nhất Đông Nam Á, triển khai tại tỉnh Bình Phước với quy mô chăn nuôi 100 triệu con gà/năm.

Doanh nghiệp nội đuối sức

Mới đây hàng chục tờ báo đã đưa tin về việc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) Việt Nam đã tuyên bố giảm đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, thậm chí họ chỉ “nuôi bò để lấy phân” phục vụ trồng trọt. Đây là thông tin gây sốc cho nhiều người. Thông tin cho thấy đến năm 2016, HAGL có tổng số đàn bò lên khoảng 250.000 con, doanh thu từ bán bò đem về cho HAGL 3.537 tỷ đồng (55% tổng doanh thu), nhưng sang năm 2018, HAGL tuyên bố cắt giảm quy mô đàn bò gần 250.000 con xuống còn 13.000 con. Nguyên nhân là lợi nhuận từ bán bò từ 38% tụt xuống chỉ còn 8%, và xuống tới mức lỗ 1% (2017).

Không chỉ trong lĩnh vực chăn nuôi bò mà nhiều đại gia, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chăn nuôi heo cũng lao đao, thua lỗ nghiêm trọng trong năm 2017 vừa qua và đang chật vật đi tìm lợi nhuận trong năm 2018. Lĩnh vực gia cầm, do giá gà, giá trứng không mấy khả quan nên nhiều doanh nghiệp cũng đang kêu khó.

Có thể nói, các doanh nghiệp có vốn nước ngoài đang ăn nên làm ra là dấu hiệu đáng mừng trong thu hút đầu tư nước ngoài, song việc các doanh nghiệp nội thua lỗ ngay trên sân nhà khiến cho việc kiểm soát điều tiết thị trường nội địa trở thành bài toán nan giải. Trong khi xu hướng chăn nuôi hiện đại là khép kín, truy xuất nguồn gốc, nhưng rất ít doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam có thể sản xuất khép kín từ thức ăn, con giống, chăn nuôi, sản xuất và phân phối trên thị trường. Đơn cử như Tập đoàn HAGL, tuy đầu tư lớn vào chăn nuôi nhưng cơ bản là nhập khẩu bò từ nước ngoài và cũng không có hệ thống phân phối cung ứng sản phẩm trên thị trường. Mô hình này hoàn toàn khác với “các tập đoàn ngoại” như C.P chẳng hạn, vốn xây dựng được một hệ thống phân phối sản phẩm trên thị trường Việt Nam.

Có thể nói, việc các doanh nghiệp trong nước “dũng cảm” đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi là nỗ lực đáng ghi nhận, song vẫn có một khoảng cách khá xa giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp có vốn nước ngoài, từ bề dày kinh nghiệm tới nguồn lực. Để doanh nghiệp trong nước không bị “bại trận” trên sân nhà, chắc chắn ngành chăn nuôi trong nước còn cần phải tập trung tháo gỡ những khó khăn, xây dựng uy tín thương hiệu để nhận được sự tín nhiệm của khách hàng trong nước.

 

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai

 

Khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành chăn nuôi là kiểm soát hệ thống thương lái. Thương lái đang có lợi nhuận lớn nhất trong chuỗi chăn nuôi nhưng chưa có quy định nào của nhà nước kiểm soát hệ thống này. Đây là một trong những rào cản ảnh hưởng tới phát triển tiêu thụ nội địa.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi
Chú trọng liên kết chuỗi sản phẩm
Thời gian tới, cần thực hiện tổ chức lại sản xuất như xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác… Thông qua đó, cần chủ động kiểm soát việc tổ chức chăn nuôi gắn với thị trường và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đồng thời, tham gia vào thị trường điều tiết giá đầu vào và đầu ra của sản phẩm; thực hiện tốt khâu kết nối và tận dụng mọi cơ hội để tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi sản phẩm khép kín, tập trung từ khâu nguyên liệu đầu vào đến sản xuất, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để kiểm soát tốt hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm và điều tiết cung - cầu thị trường sản phẩm chăn nuôi nói chung. Khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường tham gia làm trung gian cho từng vùng, khu vực.  


Bà Trần Thị Hoa, xã Bình Xuyên, huyện Bình Giang, Hải Dương

Tiêu thụ nội địa cũng cần chất lượng
Thị trường tiêu thụ nội địa ngày càng mở rộng, đòi hỏi sự quan tâm và ưu tiên đầu tư của các nhà sản xuất. Những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ trong nước ngày càng gia tăng về chất lượng và số lượng, các mô hình sản xuất cũng xuất hiện nhiều với những hình thức đầu tư lớn, áp dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Nguồn cung và cầu cũng tỷ lệ thuận với nhau, do đó, trong khi chờ sản phẩm chăn nuôi được xuất khẩu chính ngạch sang nước ngoài, các nhà sản xuất nên nâng cao chất lượng sản phẩm, ưu tiên thị trường trong nước, đáp ứng những đòi hỏi về chất lượng của người dân. Sản phẩm chăn nuôi được người tiêu dùng nội địa đánh giá cao, ổn định về số lượng thì cơ hội xuất khẩu ra thị trường quốc tế cũng sẽ nhiều hơn.

 


Theo Báo Người Chăn nuôi

 

“PHIÊN BẢN THỬ NGHIỆM”

Các tin khác