English

Kinh nghiệm nâng tỷ lệ tiêm phòng cho gia súc, gia cầm

Cán bộ thú y tiêm phòng cho gia cầm

 

Chi cục Thú y Hà Nội những năm qua được ghi nhận việc tổ chức tiêm phòng đại trà có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ tiêm phòng luôn đạt trên 90% so với kế hoạch, đặc biệt tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó mèo, tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm với tỷ lệ cao, từ đó ngăn chặn dịch bệnh cho người và gia súc gia cầm (GSGC).

Tổ chức tiêm phòng đại trà để đảm bảo tính đồng bộ, đồng loạt tạo miễn dịch tốt hơn, đồng thời rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho người chăn nuôi. Một số huyện tổ chức tiêm phòng các đợt đại trà rất tốt như Đông Anh, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ...

Kinh nghiệm thực tế từ các huyện cho thấy để đợt tiêm phòng đạt hiệu quả cao cần có những bài học cụ thể đó là:

Thứ nhất: Sự vào cuộc của cấp chính quyền từ huyện đến các xã, thị trấn. Ngành Thú y làm tốt công tác tham mưu để UBND huyện có sự chỉ đạo đồng bộ đến các xã thị trấn, các ngành liên quan của huyện cùng vào cuộc...

Thứ hai: Rà soát, thống kê đàn GSGC hiện có. Số lượng đàn gia súc gia cầm thường có biến động hàng ngày, hàng tháng vì vậy mạng lưới thú y cơ sở phải nắm bắt kịp thời để có kế hoạch tiêm phòng sát thực tế. Hơn nữa khi nắm chắc số lượng đầu GSGC sẽ chủ động được về số lượng vắc xin, thời gian tiêm phòng. Riêng đàn chó nuôi cần phải thực hiện tốt việc thống kế, nhất là ở các quận nội thành để thực hiện việc quản lý chó nuôi nhằm đảm bảo việc tiêm phòng triệt để.

Thứ ba: Bố trí thời gian tiêm phòng hợp lý. Tập trung chỉ đạo tiêm phòng cho từng loại gia súc trong thời gian ngắn, không nên kéo dài vì thực tế nếu khâu tổ chức tốt thì mỗi loại gia súc cũng chỉ tiêm trong 1 - 3 ngày là xong. Trên thực tế mạng lưới thú y tại các huyện đã có đến thôn bản, vì vậy khi đồng loạt phát động cả hệ thống cùng vào cuộc sẽ tạo sự đồng bộ để mọi nhà, mọi người cũng thực hiện việc tiêm phòng.

Các huyện thường tổ chức tiêm phòng đàn chó, mèo trong khoảng 2 - 3 ngày (2 ngày đầu tiêm tập trung, ngày thứ 3 tiêm số còn lại), đàn trâu bò tiêm trong 2 - 3 ngày. Yếu tố này nhằm giúp các cơ sở có sự tập trung chỉ đạo, nhất là Ban Chăn nuôi - thú y các xã, thị trấn. Trường hợp một số xã có số lượng trâu bò lớn địa bàn rộng phải có báo cáo rõ ràng để bố trí lực lượng, tổ chức tiêm trước hoặc tiêm xen kẽ giữa tiêm chó mèo, tiêm lợn và tiêm trâu bò sao cho phù hợp.

Thứ tư: Tổ chức tốt việc tuyên truyền trong thời gian tiêm phòng. Kinh nghiệm cho thấy nơi nào làm tốt khâu này nơi đó có tỷ lệ tiêm phòng cao. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh huyện đến xã, truyền thanh, thông báo trực tiếp tại các đài thôn, bản.

Thứ năm: Tập huấn kỹ thuật đến cán bộ chuyên môn và người tham gia tiêm phòng. Trước khi và đợt tiêm phòng, trạm thú y huyện tổ chức tập huấn đến cán bộ thú y trong Ban Chăn nuôi - thú y các xã thị trấn, vừa giúp cán bộ thú y làm tốt chuyên môn, vừa động viên họ có trách nhiệm hơn trong công việc phấn đấu cùng hoàn thành nhiệm vụ.

Thứ sáu: Tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở. Khi đã có kế hoạch, ban chỉ đạo huyện, xã phân công gắn trách nhiệm đến từng thành viên. Trong những ngày tiêm phòng các huyện thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra các xã thị trấn trong đợt tiêm phòng. Việc làm này rất có ý nghĩa trong chỉ đạo các cơ sở giúp cho chuyên môn tổ chức thực hiện tốt.

Thực tế qua 1 - 2 ngày, cơ sở nào yếu kém, đoàn kiểm tra sẽ đến đó, trực tiếp làm việc với UBND xã, thị xã để có sự chỉ đạo từ cơ sở. Trạm Thú y huyện thì tiến hành kiểm tra việc tham mưu của Trưởng ban Chăn nuôi - thú y, nếu cán bộ Trưởng ban làm chưa tốt việc tham mưu cho chính quyền địa phương thì Trạm Thú y sẽ có biện pháp làm rõ trách nhiệm của Trưởng ban để rút kinh nghiệm làm tốt hơn. Với việc tăng cường kiểm tra sẽ giúp cho các cơ sở tập trung chỉ đạo, từ đó nâng cao tỷ lệ tiêm phòng.

 

 

NGUYỄN NGỌC SƠN

(Chi cục Thú y Hà Nội)

(Nguồn www.nongnghiep.vn) 

 

“PHIÊN BẢN THỬ NGHIỆM”

Các tin khác